Đầu 2011, Hấn dành dụm, vay mượn khắp nơi mua được chiếc máy tính xách tay cho con. Và đó cũng là khởi đầu câu chuyện khiến cô phải vào tù.
Trong dòng nước mắt đau đớn, phạm nhân Nguyễn Thị Hấn, đang cải tạo tại Trại tạm giam Công an TP Hải Phòng kể rằng, hai vợ chồng ở với nhau bao nhiêu năm, cô chưa từng biết cãi láo với chồng một câu nào, dù chỉ một lần. Nhưng cái ngày định mệnh hôm đó, cô đã không làm chủ được mình, đúng hơn là đã không thể kìm nén được sự uất ức nên dẫn đến việc làm sai trái đó…
Bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình, Hấn nhắc về quãng thời gian khi cô còn là một thiếu nữ trong trắng, hiền lành sống cùng với gia đình ở vùng nông thôn của huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Học hết phổ thông, Hấn nghỉ ở nhà mà không tiếp tục con đường đèn sách. Và rồi, cô yêu một người đàn ông ở làng bên.
Anh chàng này cao to, vạm vỡ, khuôn mặt ưa nhìn. Lúc đó, mọi người xung quanh bảo Hấn là có số lấy được chồng đẹp trai hơn người. Nhìn cô dâu, chú rể xứng đôi vừa lứa, họ hàng hai bên cảm thấy vô cùng hân hoan và mừng rỡ.
Thời gian đầu cuộc sống hôn nhân của Hấn diễn ra khá êm đềm. Cả hai vợ chồng đều không đi làm ăn xa nên hai người luôn được ở gần nhau. Nhưng rồi, bi kịch bắt đầu khi chồng của Hấn sa chân vào con đường cờ bạc. Lúc đầu chỉ là chơi vui vẻ với cánh đàn ông trong làng tại những đám cưới, đám ma.
Nhưng rồi, chồng của cô ngày càng lún sâu hơn vào thú chơi “bác thằng bần”. Hấn rất tôn trọng chồng nên dù không chấp nhận việc chơi cờ bạc nhưng cô cũng chẳng dám nói. Lúc nào chồng trở về, khi hai người trong trạng thái vui vẻ, Hấn chỉ nói nhẹ nhàng nhưng chẳng khiến chồng Hấn thay đổi và gã đàn ông này vẫn trượt dài trong con đường tội lỗi.
Nguyễn Thị Hấn lầm lũi trở về trại tram.
Cô nhớ lần đầu tiên bị chồng đánh. Ngày đó cách đây đã khá lâu, khi thấy chồng đi đánh bạc thâu đêm, suốt sáng, Hấn đã phải đi tìm. Biết được địa chỉ chính xác chồng đang “đan quạt”, Hấn đến và bảo đi về. Cũng chẳng phải câu nói gì xấc xược, hỗn láo, Hấn chỉ bảo: “Anh ơi! Đi về đi, chơi suốt mà không chán à”.
Tuy nhiên, vừa nghe những câu nói đó, chồng của Hấn đã quay ra chửi vợ và đuổi về. Không những thế, chồng của Hấn cầm chiếc ghế nhựa ném thẳng vào mặt cô. May mắn tránh được, Hấn tháo chạy ra ngoài. Tuy nhiên, hắn ta tiếp tục đuổi theo để đánh đập, túm được tóc vợ, đấm đá rồi dìm xuống rãnh nước sát đường.
Dù bị chồng đánh đập rất dã man như vậy nhưng Hấn cũng chẳng trách cứ gì, chỉ cho rằng tại mình quả lời. Sau lần bị đánh đó, những trận đòn đến với Hấn nhiều hơn. Mỗi lần chồng thua bạc hoặc cô không lo được tiền trả nợ là lập tức cô bị ăn đòn.
Từ một con người ngọt ngào nền nã, chồng của Hấn bỗng nhiên biến thành một gã đàn ông cục cằn, thô lỗ. Hoàn cảnh gia đình vốn đã rất khó khăn, nay chồng lại sa đà cờ bạc nên nỗi cơ cực đó càng tăng lên gấp bội.
Bao nhiêu của nả, tiền tiết kiệm hắn đều nướng hết vào cờ bạc. Những đồ vật có giá trị trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi, ngay những cái mâm, cái nồi cũng méo mó sau mỗi lần hai vợ chồng cãi vã.
Cuộc sống bĩ cực là vậy nhưng cô chẳng hề kể lể với ai nửa lời vì nghĩ rằng “xấu chàng hổ ai”, có kể ra mọi người cũng chẳng thể nào giải quyết được điều gì, tốt nhất là cứ nghiến răng mà chịu đựng, cố gắng chăm sóc những đứa con cho khỏe mạnh, ăn học đầy đủ.
Mỗi khi nhìn vào hai đứa con trai đang dần trưởng thành, Hấn lại cảm thấy yên lòng và muốn sống tiếp. Nghe tin thằng con lớn thi đỗ trường cao đẳng, cô nghĩ rằng, số phận cũng chẳng lấy đi tất cả đối với mình.
Hy vọng về một tương lai yên bình hơn đang ở trước mắt cô, tuy nhiên, dường như bi kịch của hai vợ chồng Hấn đã đi quá giới hạn đến mức nó biến thành một cơn ác mộng kinh hoàng.
Khoảng đầu năm 2011, khi đứa con trai lớn đi học, dành dụm, vay mượn khắp nơi, Hấn mua được một chiếc máy tính xách tay cho con. Dù sống trong cảnh khó khăn, nghèo túng nhưng riêng chuyện học hành, Hấn chẳng để con mình thiếu thốn bất cứ thứ gì.
Thế nhưng, mỗi lần say xỉn, cay cú vì thua bạc, gã chồng lại chửi con và không cho con đi học. Chẳng dừng lại ở một vài câu nói, rất nhiều lần hắn đã mang sách vở của các con ra giữa sân chặt, đốt, ném ra giữa đường.
Khi thấy thằng con trai có chiếc máy tính mới, hắn đã rất nhiều lần nhăm nhe đòi mang đi cầm cố lấy tiền đánh bạc. Yêu cầu vợ con mang máy tính đi bán không được, hắn lại quay ra đánh chửi. Có nhiều lần, gã còn cầm dao truy đuổi hai mẹ con Hấn, quyết cướp được chiếc máy tính.
Để chồng không lấy được chiếc máy tính, khi thì cô mang xuống bếp giấu, khi thì mang cả vào nhà vệ sinh, thậm chí là mang sang hàng xóm để gửi… Tuy nhiên, khi ý muốn của mình chưa được thỏa mãn thì chồng của Hấn vẫn tiếp tục hành hạ vợ con. Chửi, đánh, đuổi ra khỏi nhà… bất cứ việc làm gì có thể lấy được chiếc máy tính mang đi bán, gã chồng vũ phu đều thực hiện.
Cô cố gắng chịu đựng sự đè nén của chồng miễn sao con cái vẫn được đi học. Tuy nhiên, sự chịu đựng đó cũng chỉ có giới hạn, khi nỗi uất ức trong Hấn đã không thể kìm nén được thì nó đã trở thành sự phản kháng quyết liệt. Trong một buổi tối cách đây đúng 8 tháng, ngày hôm đó, sau khi chồng đi đánh bạc 2 ngày 2 đêm mới trở về, gia đình cô lại trở nên náo loạn.
Bắt vợ mang máy tính về để bán không được, chồng của Hấn đã nhăm nhăm con dao trong tay và mạnh tiếng tuyên bố: “Nếu không mang chiếc máy tính về đây thì sẽ biết tay ông”. Bị chồng truy sát, hai mẹ con phải núp ra vườn chuối sau nhà để lảng tránh. Chuyện bị đánh đã trở thành quá bình thường, nhưng hôm nay, hắn lại xúc phạm đến cô một cách quá đáng, không những thế gã còn mắng chửi cả gia đình nhà vợ…
Trước tình huống đó, nỗi uất ức trong cô đã vượt quá sức chịu đựng. Hấn nghĩ rằng, bây giờ có trở vào nhà chắc chắn sẽ bị chồng cầm dao chém chết… Với một người đàn ông đã coi mình như kẻ thù, cô cũng chẳng muốn gắn bó nữa.
Cô đứng dậy, cầm chiếc gậy vứt ở vườn đi vào nhà và quyết tâm phản kháng lại. Khi bước vào nhà, gã chồng đã nằm ngủ trên giường nhưng tay vẫn cầm con dao. Thế rồi, cô đã lấy chính con dao đó đâm liên tiếp vào người chồng vũ phu đang nằm trên giường.
Án mạng xảy ra, Hấn phải nhận bản án 17 năm tù cho hành động giết người của mình. Giờ đây, sau một thời gian đã thi hành, cô đã thấu hiểu được nỗi đau phải chia lìa gia đình. Sống trong trại giam, Hấn cảm thấy cuộc sống của mình đã bình lặng hơn, nhưng trong lòng vẫn mang một nỗi đau canh cánh.
Cô nhớ hai đứa con, thương chúng phải sống cảnh thiếu thốn sự chăm sóc. Bỗng nhiên hai đứa trẻ rơi vào cảnh mồ côi, bố chết, mẹ đi tù… Cô trách mình tại sao quá nhu nhược, sống cam chịu để gia đình phải lâm vào bi kịch cay đắng như ngày hôm nay.
0 nhận xét