Tôi phải học những giáo trình đã có từ 20-30 năm trước, tôi phải trải qua những kì thi cứng nhắc, tôi có những tiết học nhàm chán…
Quy định mới về liên thông đại học của Bộ GD&ĐT sẽ có hiệu lực từ ngày 7/2/2013, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD đang đóng cánh cửa đại học mơ ước của những sinh viên cao đẳng, trung cấp. Để rộng đường dư luận, Soha News xin trích đăng bài viết bày tỏ quan điểm của độc giả Mạc Vấn đề đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay.
Tấm bằng đại học là ước mơ, hy vọng của nhiều người. (ảnh minh họa nguồn internet).
Những gì tôi viết ra đây không phải để tranh luận, không với mục đích chính là chỉ trích mà nó chỉ là những trải nghiệm thật về quá trình học tập của tôi ở môi trường giáo dục đại học. Nó hoàn toàn là ý kiến chủ quan của cá nhân và sẽ có phần nào đó phiến diện, một chiều.
Cách đây không lâu, tôi có xem chương trình “Lục lạc vàng – Kết nối những miền quê”. Chương trình khá thiết thực, nhà tổ chức lựa chọn và trao tặng một số hộ đặc biệt khó khăn ở các vùng quê một cặp bò để làm vốn liếng sinh nhai. Điều làm tôi chú ý nhất là khi người dẫn chương trình hỏi một em gái trong một gia đình được nhận bò rằng sau này em muốn làm nghề gì. Em gái trả lời rất tự nhiên và tin tưởng rằng em muốn làm cô giáo.
Tôi bất giác mỉm cười, nhưng cũng chợt nảy ra rất nhiều suy nghĩ. Liệu mươi mười lăm năm sau, em ấy có thể đứng trên bục giảng với phấn trắng mực đen được hay không?
Từ hồi bé tí tôi đã thích tìm hiểu các đồ điện tử, yêu thích khoa học và khám phá. Lên lớp 5 tôi đã nghĩ khi lớn lên mình sẽ thi vào trường ĐH đó để trở thành một kỹ sư. Thật may mắn khi tôi được tiếp xúc với máy vi tính sớm và ngay lập tức tôi yêu thích nó, biết mình sẽ gắn bó với nó về sau.
Lên lớp 7, một lần tôi mượn được một quyển sách lập trình Pascal từ một người bạn. Những dòng lệnh tưởng như là rất khô khan lại mê hoặc tôi và đối với tôi nó có thể làm nên nhiều điều thật kì diệu. Lúc ấy, tôi xin bố mẹ để photo quyển sách về học nhưng bố mẹ cho rằng tôi sẽ sao nhãng việc học tập nên không đồng ý.
Vì vậy, tôi đã lấy một quyển vở cặm cụi chép từng dòng một trong quyển sách đấy. Dạo đấy, chưa bao giờ tôi thức khuya bên bàn học như thế. Sau đó, tình cờ tôi bị mẹ phát hiện khi đang miệt mài chép, mẹ đã đem quyển sách ấy đi photo cho tôi. Bạn nghĩ rằng tôi có đam mê chứ? Tôi nghĩ là vậy.
Tôi là người học tập cũng khá, có một chút năng khiếu về Vật Lý và Công nghệ Thông tin. Và tôi luôn tin rằng mình sẽ tốt nghiệp ngôi trường đó để trở thành một kỹ sư Công nghệ Thông tin. Vì vậy khi đăng ký thi đại học, tôi chỉ làm hồ sơ duy nhất một trường, lúc phân khoa tôi cũng chỉ có duy nhất một nguyện vọng là được học ngành CNTT. Và mọi chuyện có vẻ đều ổn.
Nhưng tôi bắt đầu nhận ra những điều bất ổn. Tôi là một người kỹ tính và nguyên tắc. Tôi khó chịu khi thầy giáo viết lg hay tg thay vì log hay tan như chương trình THPT đã cải cách. Chỉ là một điều rất rất nhỏ, nhưng tôi biết rằng đã có sự không đồng bộ trong quá trình cải cách giữa các cấp học. Và tôi đã không nhầm. Tôi phải học những giáo trình đã có từ 20-30 năm trước, tôi phải trải qua những kì thi cứng nhắc, tôi có những tiết học nhàm chán…
Tôi phải học những giáo trình đã có từ 20- 30 năm trước, tôi phải trải qua những kỳ thi cứng nhắc và những tiết học nhàm chán... (ảnh minh họa).
Tôi biết không phải tất cả đều như vậy, nhưng thi xong mà quên sạch đi thì học để làm gì? Tôi bắt đầu nhận ra nhiều bất ổn hơn khi nhà trường “thả nổi” yêu cầu ngoại ngữ với sinh viên. Và điều tôi thấy không ổn nhất là khoảng cách giữa thầy và trò ở trường đại học là quá xa. Bạn sẽ bảo rằng học đại học thì phải tự học, tôi biết. Nhưng chúng ta là người Việt kia mà. Có lẽ tôi không kiên trì, nhưng tôi vẫn thường bảo rằng trường đại học đã giết chết đam mê và ước mơ của chúng ta.
Qua vài năm, tôi chợt nhận ra điều tôi thực sự quan tâm là gì. Tôi nghỉ học. Và không hề hối tiếc. Vì tôi biết tôi sẽ theo đuổi đến cùng những điều đấy.
Giờ người ta trọng cái bằng đại học lắm, nhưng tám điểm rưỡi cũng vào được đại học thì cũng thật tệ. Giờ người ta thích kinh doanh hơn làm kỹ sư hay đi dạy học. Nhưng nếu ai cũng làm buôn bán thì lấy ai mà sản xuất bây giờ? Vấn đề là giờ người ta làm việc với ít đam mê hơn, ít chịu hi sinh hơn nhiều lắm.
Gần đây, tôi nghe nói năm 2013 sẽ không mở thêm các ngành đào tạo Tài chính Ngân hàng, Quản trị Kinh doanh, Kế toán nữa. Cũng tốt thôi bởi cung đang vượt quá cầu. Nhưng ngộ nhỡ có những cá nhân thực sự tâm huyết, có năng khiếu cũng như mong muốn được học các ngành đấy thì sao? Chẳng phải chúng ta lại tiếp tục đi giết chết đam mê của nhiều người ư?
Tôi tin rằng, khi mỗi cá nhân đều tâm huyết và đam mê với nghề nghiệp của mình thì tự nhiên xã hội sẽ cân bằng. Những giải pháp như thế chỉ là giải pháp tình thế, bề nổi. Nó thể hiện sự bất lực của những nhà quản lý và độ vênh quá lớn giữa giáo dục và thực tế.
Tôi cho rằng chúng ta nên tập trung vào những ngành mà đất nước ta có thế mạnh. Như Nông nghiệp chẳng hạn. Israel, một quốc gia nhỏ bé, nhiều hoang mạc, nhưng lại có nền Nông nghiệp thuộc hàng tiên tiến nhất thế giới. Việt Nam có quá nhiều thuận lợi và vẫn thường tự hào về nền Nông nghiệp nước nhà, nhưng tại sao năng suất cà chua của Israel là 500 tấn/ha, trong khi của Việt Nam may lắm là 30 tấn/ha?
Tôi chẳng có tầm nhìn vĩ mô, nhưng thấy rằng chúng ta đang phát triển nhiều thứ quá, mà chưa có thứ nào đạt đến trình độ quốc tế cả.
Cứ đà này, sau này con tôi mà bảo lớn lên muốn làm nông dân, tôi sẽ mắng nó té tát. Mà thôi, tôi sẽ chẳng có con đâu, tội nó lắm, mới mấy tuổi đầu mà đã phải đeo cái cặp sách nặng như thế rồi!
0 nhận xét